Sau khi tốt nghiệp, tôi ra trường với biết bao bỡ ngỡ với cả niềm vui, niềm hạnh phúc khi mình đã tạm kết thúc nghiệp đèn sách. Các bạn tôi cứ đùa rằng, các bé đến trường thì “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thế còn cậu thì sao? Chắc là dạy các bé thì nhức đầu lắm nhỉ? Tôi rất tự tin trả lời các bạn tôi rằng: “Mình đi làm, đối với mình “Mỗi ngày đến trường của mình cũng là một ngày vui như các con”. Bởi vì mình dạy học bằng tất cả tình yêu thương đối với các con”.
Ảnh minh họa.
Với những bé có lỗi lớn như: cấu, cắn, đẩy bạn ngã thì tôi phạt nhẹ vào lòng bàn tay. Vậy mà các con biết sợ và ngoan hơn đấy. Bản thân tôi khi phạt “nhẹ nhàng” như vậy, thấy các con biết lỗi và ngoan hơn, tôi cũng hết giận con rồi. Còn những bé gây ra những lỗi nhỏ hơn như chạy nhảy, leo trèo lên ghế thì tôi chỉ nhắc nhở để con biết là mình sai và lần sau con không làm như vậy nữa. Việc chăm trẻ cũ đi học lâu đã quen trường quen lớp rồi thì có lẽ ai cũng biết và làm được. Song điều tôi muốn nói ở đây là cách chăm sóc trẻ mới bắt đầu đi học, nhất là các bé 1 – 3 tuổi.
Cách làm của tôi là đối với trẻ mới đi học, tôi tuyệt đối không phạt, không quát mắng để các con không sợ mà theo mình, để các con mau quen trường, quen lớp hơn. Nếu con mới đi mà không khóc, ngồi chơi ngoan thì tốt quá. Còn nếu con khóc, tôi sẽ bế con đứng lên dỗ dành trong lớp hoặc cho con xuống văn phòng chơi, đến bao giờ con nín hẳn mới thôi. Con đã nín rồi nếu đặt con ngồi cạnh được thì tốt, đặt ra mà con lại khóc thì tôi lại bế con ngồi lên đùi mình. Vừa bế tôi vừa làm các việc như xúc cho các con ăn cháo, uống sữa; cho các con đi vệ sinh; kê bàn, ghế…. Tôi cứ bế con như vậy để con không sợ, con yên tâm, mà con yên tâm thì con sẽ không khóc.
Đấy là bế con những lúc con thức vào buổi sáng và buổi chiều, cứ lúc nào con khóc là tôi bế lên dỗ dành đến lúc con nín mới thôi. Vậy còn buổi trưa thì sao? Vì buổi sáng tôi đã rất chiều con, con đã theo mình rồi nên buổi trưa tôi dỗ con ngủ cũng rất dễ. Tôi bế con đứng, cho con ngả đầu vào vai mẹ (trường tôi con gọi các cô là mẹ), mẹ đứng đung đưa hoặc đi từ đầu lớp đến cuối lớp khoảng 10 – 15 phút là con đã ngủ. Sau đó có thể mẹ nằm gối đầu tay hoặc con ngủ say rồi thì đặt con nằm cạnh mình hoặc đặt con lên giường (để con không quen hơi mình). Thỉnh thoảng con mà dậy khóc thì tôi lại bế con đứng lên dỗ như lúc bắt đầu đi ngủ. Tôi cứ làm như vậy thì chỉ sau 5 – 7 ngày là con ngủ được giấc dài như các bạn.
Đối với việc ăn, uống, với các con mới đi học, tôi không ép, để con ăn tự nguyện. Con đã theo mình rồi nên trộm vía việc cho ăn, uống cũng không khó, có bé còn há miệng ăn như đã đi học lâu rồi vậy. Cũng có bé khóc không muốn ăn, uống thì tôi bế lên dỗ dành, cho con đồ chơi hoặc cho sang các lớp khác chơi thì con sẽ ăn. Mới bắt đầu đi học có thể con chưa ăn được nhiều như các bạn nhưng vì con theo mình, coi mình như mẹ ở nhà nên cũng chỉ mất 3 – 4 ngày là con ăn, uống được như các bạn khác.
Đây là cách làm của tôi và tôi nghĩ hai cô ở một lớp cứ thay nhau kiên trì bế, ẵm các con thì đối với bé dễ, các cô chỉ mất khoảng 1 tuần là con quen lớp, bé khó thì mất khoảng 2 tuần. Và làm theo cách này, yêu chiều con hết mực, không phạt, không quát mắng, con cứ khóc là bế lên dong dỗ thì tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ có chuyện bạo hành trẻ ở cấp học mầm non nói riêng và các cấp học khác nói chung. Cả cô và trò chúng tôi sẽ cùng giơ cao và nói to khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Đinh Hương
(Hà Nội)